Số nhà 22 ngõ 242 Phú Viên - Bồ Đề - Long Biên – Hà Nội
0389 635 344

Tìm hiểu tất tần tật về chất liệu vải kaki

Lê Hồng Vân 5251 lượt xem

Trong ngành công nghiệp may mặc hiện nay ngày càng trở nên đa dạng với nhiều chất loại vải khác nhau. Trong đó, vải kaki rất được ưa chuộng bởi sự bền chắc và thời thượng của nó. Vậy bạn đã biết những thông tin gì về loại vải này? Đặc điểm của chúng ra sao? Tất cả sẽ có trong phần chia sẻ dưới đây nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về bản chất của vải!

Vải kaki là gì?

Vải kaki là loại vải được dệt từ chất liệu cotton 100% mang đến cảm giác chắc chắn nhưng vẫn vô cùng thoáng mát. Ngày nay, các nhà sản xuất đã tạo thêm nhiều loại kaki có chất liệu tổng hợp với độ co giãn cao nên mang đến cảm giác thoải mái và dễ chịu hơn khi mặc. Do vậy, chúng được ứng dụng trong khá nhiều sản phẩm khác nhau từ may quần áo, may cặp…

Vải kaki

Vải kaki là loại vải được dệt từ chất liệu cotton 100%

Nguồn gốc vải kaki

Vải kaki có nguồn gốc từ Ấn Độ ra đời từ những năm giữa thế kỷ thứ 19. Lúc đó, quân lính Anh có quân phục là áo khoác đỏ và quần trắng được làm từ chất liệu vải len. Khi thời tiết nóng bức thì chất liệu này khiến họ khá khó chịu và ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý chiến đấu. Vì vậy, Harry Bernett Lumsden đã sáng tạo ra chất liệu vải mỏng nhẹ màu nâu để thay thế vải len. Với chất liệu mới này người mặc vừa không cảm thấy nóng nực lại vừa có thể dễ dàng ngụy trang. Và chất liệu thay thế đó chính là nguồn gốc của chất liệu kaki bây giờ.

Lúc đầu vải kaki chỉ được dùng may quân phục cho quân lính của Anh nhưng dần dần được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới. Hiện nay, ngành may mặc ngày càng phát triển và cho ra đời rất nhiều loại chất liệu khác nhau. Tuy nhiên, chất liệu kaki vẫn được sử dụng rất rộng rãi từ những sản phẩm bình dân cho đến cao cấp.

Quy trình sản xuất vải kaki

Vải kaki được sản xuất theo quy trình với nhiều công đoạn khác nhau:

Bước 1: Thu hoạch bông để lấy sợi

Đầu tiên trong quy trình sản xuất vải kaki, người nông dân sẽ thu hoạch những quả bông chất lượng nhất. Bông xơ sẽ được phân loại kỹ càng và đóng lại thành từng kiện bông. Nguyên liệu dùng để sản xuất phải có kích cỡ tương tự nhau và được loại sạch các tạp chất trước khi đưa vào kéo sợi.

Bước 2: Kéo sợi

Các quả bông xơ sau khi được lọc kỹ và loại bỏ tạp chất sẽ được đi đem đánh rối kỹ càng. Tiếp đến, bông sẽ đưa vào tiệt trùng và được tạo thành các tấm phẳng đều. Sau đó, các sợi bông sẽ được kéo thô để gia tăng thêm chiều dài cũng như độ bền. Cuối cùng, chúng được đánh tiếp thành từng ống và xếp lại gọn gàng.

Quá trình kéo sợi

Quá trình kéo sợi

Các sợi hoàn chỉnh sẽ tiếp tục được bọc quanh bằng hồ tinh bột và một số chất nhân tạo để gia tăng thêm độ bền và độ bóng cho vải. Tùy theo quy trình cũng như ý đồ sản xuất, các đơn vị có thể tiến hành thêm bớt nguyên liệu để phù hợp hơn.

Bước 3: Tiến hành dệt vải

Sau khi sợi đã trải qua quá trình hồ tinh bột sẽ được đem đi dệt bằng máy theo phương thức kết hợp sợi ngang và dọc. Vải kaki sẽ được dệt theo kiểu vân chéo nghiêng với hai mặt ngược nhau về hướng chéo.

Tiếp đến, vải sau khi dệt sẽ được nấu với áp suất và nhiệt độ cao trong dung dịch hóa học và phụ gia. Điều này sẽ giúp vải loại bỏ được phần hồ tinh bột và tạp chất còn sót lại. Sau đó, vải sẽ tiếp tục được đưa vào làm bóng và giúp các sợi cotton được nở ra. Quá trình này có tác dụng giúp dễ nhuộm và tăng độ chuẩn cho màu vải.

Bước 4: Nhuộm màu cho vải

Các tấm vải kaki cuối cùng sẽ được đem nhuộm bằng thuốc nhuộm để tăng khả năng bám màu. Quá trình này sẽ trải qua nhiều lần với các loại thuốc nhuộm có thành phần khác nhau. Sau mỗi lần nhuộm, vải sẽ được giặt để các tạp chất và hóa chất sẽ được loại bỏ lần nữa. Cuối cùng, vải kaki sẽ được đưa vào quy trình làm mềm để chống co nhăn, tăng độ bền.

 nhuộm màu cho vải

Quá trình nhuộm màu cho vải để tăng khả năng bám màu

Phân loại vải kaki

Thực tế trên thị trường có rất nhiều loại vải kaki khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố. Dựa trên những yếu tố nổi bật mà người ta có thể phân loại vải ra thành nhiều loại. Một vài thông tin tham khảo có thể kể đến như:

Dựa vào độ co giãn

Vải kaki khi dựa vào độ co giãn có thể chia thành hai loại :

+ Vải kaki không thun: đây là loại có độ cứng cao, ít nhăn khi có tác động. Nhờ những đặc điểm này mà chất liệu vải này thường được sử dụng để may quần tây nam để tạo form hoặc dùng để may đồ bảo hộ.

+ Vải kaki thun: đây là loại vải được pha thêm sợi spandex nhằm tăng thêm độ co giãn, đem lại cảm giác thoải mái hơn cho người mặc. Ứng dụng của chất liệu vải này là thường được dùng để may váy, áo vest nữ, đầm body,… để tạo cảm giác thoải mái khi di chuyển cho các bạn nữ.

độ co giãn

Dựa vào độ co giãn chia thành hai loại: Kaki thun và không thun

Dựa vào thành phần hóa học

Khi dựa theo thành phần hóa học, vải kaki được chia thành các loại như sau:

+ Vải kaki cotton: đây là loại vải được làm từ các sợi bông tự nhiên, không quá dày, tạo cảm giác thông thoáng cho người mặc. Chất liệu vải này chủ yếu được sử dụng may các loại váy ôm, quần ôm cho phụ nữ.

+ Vải kaki polyester: đây là loại vải cấu tạo nên từ các sợi tổng hợp, không bị giãn khi giặt và hút mồ hôi kém. Chất liệu kaki polyester được sử dụng may rất nhiều phụ kiện như tạp dề, mũ, balo,…

Những đặc tính cơ bản của vải kaki

Vải kaki có những đặc tính cơ bản sau:

Đặc tính vật lý

Vải kaki trải qua quá trình sản xuất nhiều công đoạn nên có độ bền cao, ít nhăn. Loại vải này có thể co giãn hoặc không co giãn. Vì vậy, loại vải này rất dễ tạo hình và không đòi hỏi kỹ thuật cao.

Đặc tính hóa học

+ Vải kaki rất khó phai màu

+ Có khả năng thấm hút mồ hôi, thoáng mát và dễ làm sạch.

Ưu và nhược điểm của vải kaki là gì?

Vải kaki là loại vải được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực bởi có rất nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, với bất kỳ loại nào cũng có những nhược điểm nhất định.

Ưu điểm

+ Vải kaki được đánh giá là loại vải bền chắc, có tuổi thọ cao, ít nhăn và không bị xù lông.

+ Có khả năng thấm hút cực tốt, dễ giặt và rất nhanh khô. Vì vậy, khi mặc loại vải này không gây cảm giác nóng bức, khó chịu.

+ Vải kaki có chất liệu khá cứng, ít co giãn và không tạo cảm giác bó sát vào người khi mặc. Vì vậy, người mặc những bộ quần áo làm từ vải kaki sẽ rất thoải mái trong hoạt động hằng ngày.

+ Loại vải này rất bền màu nên trong quá trình giặt sẽ ít bị phai màu. Ngoài ra, vải kaki rất dễ tạo hình và ít đòi hỏi kỹ thuật, độ tỉ mẫn cao.

+ Vải được sản xuất với rất nhiều kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Vì vậy, các sản phẩm làm từ loại vải này được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh và phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau.

ưu điểm vải kaki

Vải kaki có rất nhiều ưu điểm vượt trội

Nhược điểm

+ Vải kaki khá cứng, ít co giãn nên thường không được sử dụng để may các dạng quần áo có thiết kế cầu kỳ và mềm mại như váy cô dâu, đầm công sở,..

+ Vải được làm từ chất liệu 100% cotton nên có giá thành cao hơn các loại vải khác. Vì vậy, nhiều nơi họ đã hạ giá thành bằng cách pha trộn thêm một số loại sợi khác trong quá trình sản xuất.

Cách nhận biết các loại vải kaki

Để nhận biết được các loại vải kaki những người có chuyên môn họ có rất nhiều cách như nhìn, cảm nhận chất liệu, ngửi mùi,.. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ là người tiêu dùng thông thường thì hãy tham khảo cách phân biệt sau:

+ Đối với kaki thun và không thun bạn có thể dễ dàng phân biệt nhờ vào độ dày của vải. Nếu vải nào mềm và mỏng thì đó là kaki thun, còn kaki không thun thì dày và cứng hơn.

+ Đối với kaki cotton và kaki polyester thì bạn có thể sử dụng cách đốt một mẩu vải để phân biệt. Nếu mẩu vải nào cho ngọn lửa màu vàng, cháy nhanh và tàn vải thành tro thì đó là kaki cotton. Còn nếu mẩu vải không bén lửa, bị vón cục lại và có mùi thơm nhẹ thì đó là kaki Polyester

 Ứng dụng của vải kaki trong đời sống

Vải kaki mang rất nhiều ưu điểm vượt trội nên có rất nhiều ứng dụng trong đời sống hằng ngày:

Chất liệu kaki được sử dụng rất phổ biến trong may mặc. Nó được dùng để may đồ công sở như quần tây, vest, váy, quần áo bảo hộ,.. Những sản phẩm được may từ chất liệu vải này có độ bền cao, không bị nhăn khi bị tác động trong thời gian sử dụng. Đặc biệt, chất liệu này rất tôn dáng tạo nên phong thái đĩnh đạc, tự tin cho người mặc.

Ứng dụng của vải kaki

Chất liệu kaki có rất nhiều ứng dụng trong cuộc sống

Ngoài ra, kaki còn được sử dụng để may các bộ vỏ chăn, ga, gối. Nhờ chất liệu này mà các sản phẩm chăn ga gối không bị biến dạng, dễ giặt là và không bị phai màu khi sử dụng lâu ngày.

Cách giặt và bảo quản vải kaki

Để các sản phẩm làm từ vải kaki có thể tăng độ bền thì trong quá trình sử dụng bạn cần phải biết giặt và bảo quản đúng cách.

Cách giặt vải kaki

Để tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng của sợi vải thì trước khi giặt đồ kaki bạn nên lộn sang mặt trái. Đồ kaki bạn không nên giặt chung cùng các loại vải thông thường khác. Và đặc biệt, chất liệu vải này bạn không nên sử dụng máy giặt mà chỉ nên giặt bằng tay. Bởi lực quay của máy giặt sẽ làm ảnh hưởng đến độ bền của sợi vải.

Cách giặt vải kaki

Nên giặt đồ kaki bằng tay để giữ được độ bền

Trong quá trình giặt đồ làm từ vải kaki bạn nên lựa chọn các chất tẩy rửa dịu nhẹ, không có tính tẩy mạnh. Điều này vừa giúp loại bỏ vết bẩn trên vải lại vừa tránh được tình trạng phai màu loang lổ. Khi phơi tuyệt đối tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào. Bởi nhiệt độ cao sẽ khiến vải bị bạc màu hoặc có thể ngả sang màu khác.

Cách bảo quản vải kaki

Người dùng nên bảo quản vải kaki tại những nơi thoáng mát, tránh ánh nắng và tránh tuyệt đối các khu vực ẩm ướt. Đặc biệt, tránh bảo quản trong tủ gỗ để không bị hiện tượng mối mọt làm ảnh hưởng đến chất lượng vải.

Khi cất các trang phục kaki nên bọc ngoài bằng giấy lụa hoặc khăn bông sạch. Điều này sẽ giúp tránh được vi khuẩn, bụi bẩn và giữ được quần áo luôn khô ráo. Bạn nên tránh để các đồ nặng đè lên bề mặt vải để tránh tình trạng vải bị nhăn và mất dáng.

Chất liệu vải kaki thực sự mang lại rất nhiều ứng dụng thiết thực cho đời sống con người. Hy vọng rằng những thông tin trên đây đã giúp các bạn có thêm nhiều kiến thức về chất liệu tuyệt vời này.

Feedback

Chat Zalo